CÁC ỨNG DỤNG DÀNH CHO THẺ RFID CHỦ ĐỘNG VÀ BỊ ĐỘNG
Các ứng dụng dành cho thẻ RFID chủ động và bị động
Công nghệ RFID được chia thành ba loại – Bị động, Bán bị động và Chủ động – tùy thuộc vào cách cung cấp năng lượng cho nhãn RFID và cách nhãn RFID tương tác với thiết bị. Để tìm hiểu kỹ hơn, các bạn có thể đọc bài viết cơ bản về RFID.
Điểm khác biệt về mặt kỹ thuật
Nhãn RFID bị động không có nguồn năng lượng bên trong, mà lấy năng lượng từ sóng Radio được gửi từ thiết bị phát. Những nhãn này tương tác với đầu đọc bằng cách phản hồi và thay đổi sóng Radio. Vì thế, tầm đọc của nhãn RFID khá ngắn (từ vài cm cho tới khoảng hơn 4m), bộ nhớ cũng bị giới hạn.
Nhãn RFID chủ động thì ngược lại, có sẵn nguồn năng lượng (pin) và bộ phát tín hiệu. Nhãn RFID chủ động sử dụng hai bộ phận này để phát thông tin tới đầu đọc. Vì vậy, tầm hoạt động của nhãn RFID chủ động có thể lên tới hàng chục mét và có bộ nhớ lớn.
Nhãn RFID bán bị động là phiên bản lai giữa hai loại ở trên. Chúng có nguồn năng lượng nhưng lại không có bộ phát tín hiệu, sử dụng pin để hỗ trợ việc kết nối với đầu đọc. Dữ liệu từ đầu đọc vẫn được phản hồi lại, nhưng với sự hỗ trợ từ pin nên không cần quá nhiều năng lượng từ đầu đọc – giúp tăng tầm hoạt động.
Ứng dụng của từng loại nhãn RFID
Nhãn RFID bị động
Bởi vì nhãn RFID bị động có mức giá thấp nhất trong ba loại, nên chúng thường được sử dụng khi cần quản lý hàng hóa với số lượng lớn, không cần phải đọc ở khoảng cách xa. Bên cạnh đó, nhãn RFID bị động có thể hoạt động ở nhiều tần số, mỗi tần số lại phục vụ một mục đích riêng.
Tần số thấp (125kHz): Có tầm đọc thấp nhưng có thể đọc ở môi trường nhiều chất lỏng và độ ẩm. Loại nhãn này được dùng để theo dõi thú nuôi cũng như tích hợp trong khóa xe ô tô.
Tần số cao (13.56 MHz): Cũng có tầm đọc thấp (khoảng 10cm) và khả năng hoạt động trong môi trường nhiều chất lỏng và độ ẩm. Đây là loại nhãn được sử dụng phổ biến nhất, trong các loại thẻ ra vào, đánh dấu sách ở thư viện, quần áo giặt là. NFC cũng là công nghệ sử dụng sóng RFID tần số cao.
Tần số siêu cao (860-960 MHz): Có tầm đọc xa nhất trong các loại nhãn bị động (lên tới 4.5m) nhưng lại không hoạt động hiệu quả trong môi trường nhiều chất lỏng. Nhãn này thường được sử dụng trong quản lý hàng hóa, trong lĩnh vực vận chuyển.
Tần số siêu âm (2.45 GHz): Là loại ít phổ biến nhất trong các loại nhãn bị động, thường được sử dụng trong kiểm soát hàng hóa và các ứng dụng không cần tầm hoạt động dài, nhưng cần tốc độ gửi dữ liệu rất nhanh. Tần số này thường được sử dụng hơn với các nhãn RFID chủ động.
Nhãn RFID chủ động
Nhãn RFID chủ động là loại đắt tiền nhất, nhưng cũng có tầm hoạt động xa nhất và được dùng trên các tài sản giá trị cao. Bởi mỗi nhãn đều có bộ phát sóng, tín hiệu truyền đi rất mạnh và có thể phản xạ trong môi trường kim loại. Vì thế, nhãn RFID chủ động rất phù hợp với yêu cầu cần tầm hoạt động xa và môi trường kho bãi nhiều kim loại.
Nhãn RFID chủ động thường hoạt động ở hai tần số và sự khác biệt chính nằm ở tốc độ truyền dữ liệu (tần số càng cao, tốc độ truyền càng lớn), bộ nhớ, cảm biến và thời hạn sử dụng.
Nhãn chủ động thường hoạt động ở tần số 433 MHz, trong tiêu chuẩn ISO18000-7. Những loại nhãn này thường được sử dụng để theo dõi Pallet và Container, cũng như các tài sản quân đội. Trong lĩnh vực thương mại, nhãn RFID chủ động được dùng trong ngành logistic, theo dõi các loại xe và các tài sản lớn và có giá trị cao.
Nhãn RFID chủ động tần số Microwave (2.45 GHz) được sử dụng để thu phí đường bộ, cũng như hệ thống theo dõi vị trí hàng hóa tại nhà kho, bệnh viện hay các tòa nhà công sở.
Có một số loại nhãn chủ động sử dụng tần số khác, nhưng những loại này không thật sự phổ biến. Một số nhãn sử dụng tần số UHF (915 MHz) cũng để phục vụ theo dõi hàng hóa.
Nhãn RFID chủ động với việc sử dụng pin nên có thể đặt thêm cảm biến (nhiệt độ, độ ẩm, hay độ sói mòn đất), đèn LED, nút bấm hay thực hiện một số công việc khác. Những loại nhãn đặc biệt này có thể được dùng để theo dõi nhiệt độ trong thùng hàng xe tải, dùng trong vận chuyển hàng hóa đông lạnh hay các loại dược phẩm.
Nhãn RFID bán bị động
Nhãn RFID bán bị động thường sử dụng tần số UHF và giao thức giống với nhãn RFID bị động. Tuy nhiên, chúng có thể đọc được xa hơn và có thể gắn cảm biến – thường là cảm biến nhiệt độ. Những loại nhãn này được sử dụng để theo dõi hàng hóa có giá trị cao, theo dõi các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như dược phẩm, thực phẩm tươi trong quá trình vận chuyển.
Nguồn rfid4u.com