HƯỚNG DẪN KHẮC PHỤC MỘT SỐ LỖI THƯỜNG GẶP KHI SỬ DỤNG MÁY TIN TEM NHÃN MÃ VẠCH (PHẦN 1)

Máy in không có bất kỳ phản ứng nào (không in được)

Nguyên nhân và cách giải quyết:

MÁY IN Ở TRẠNG THÁI CHƯA SẴN SÀNG (ready mode)

Hãy chắc chắn phích cắm đã được cắm vào ổ điện, công tắc nguồn đã được bật lên, dây USB kết nối máy in và máy tính và đèn báo hiệu máy in đang ở trạng thái “sẵn sàng in” (đèn xanh)

Tùy theo từng loại máy, có máy thì hiện thị chữ sẵn sàng trên màn hình LED/LCD, có máy thể hiện sự sẵn sàng bằng tín hiệu đèn màu xanh lá cây. Để đưa chiếc máy in tem nhãn về trạng thái sẵn sàng, bạn có thể tắt máy đi rồi lại bật máy lên để máy sẵn sàng làm việc. Nếu máy của bạn khởi động với tín hiệu báo lỗi (đèn đỏ), hãy tham khảo cuốn hướng dẫn sử dụng (user manual guide) đi kèm với máy in hoặc liên hệ với nhà cung cấp máy in để xử lý dứt điểm lỗi này trước khi tiếp tục với bài viết.

DÂY CÁP KẾT NỐI/GIAO TIẾP VỚI MÁY TÍNH

Hãy kiểm tra dây cáp (USB, RS-232, Ethernet…) kết nối máy tính với máy in có bị cắm sai cách hoặc giắc cắm có bị lỏng? Để chắc chắn, bạn hãy rút cable ra rồi cắm lại cho đúng cách.


TRÌNH ĐIỀU KHIỂN (driver) MÁY IN

Driver máy in được cài đặt trong máy tính PC của bạn liệu có phải là phiên bản mới nhất? Nếu máy in của bạn hiển thị dưới dạng “Unknown Device” (thiết bị không xác định) thì bạn cần phải cài đặt lại driver của máy in. Nếu có nhiều biểu tượng máy in giống nhau được cài đặt một cách chồng lấn, hãy gỡ bỏ phiên bản cũ và giữ lại phiên bản cập nhật mới nhất.

Mẹo nhỏ: Mở trang Control Panel / Devices and Printers và kiểm tra ngôn ngữ và độ phân giải (dpi) của máy in. Cài đặt sai ngôn ngữ cho máy in có thể gây lỗi dẫn tới tình trạng máy in không phản hồi, còn thiết lập sai DPI khiến bản in bị co lại hoặc phóng to hơn một cách bất thường.

Hãy tham khảo các liên kết dưới đây để được trợ giúp về cách thức cài đặt driver máy in:

  • Drivers các loại máy in mã vạch
  • Hướng dẫn cài đặt driver máy in qua cổng USB
  • Hướng dẫn cài đặt driver máy in qua giao thức không dây TCP/IP (cổng LAN/Ethernet)

LỖI THIẾT LẬP THÔNG SỐ TRÌNH ĐIỀU KHIỂN (DRIVER) MÁY IN

Kiểm tra các thiết lập (cấu hình) trong trình điều khiển (driver) máy in sao cho chúng phù hợp với thông số bản in bạn mong muốn.

Để hiệu chỉnh cấu hình driver qua phần mềm BarTender, bạn hãy:

  • Mở file bằng bằng phần mềm BarTender
  • Đi đến File > Print
  • Chọn máy driver máy in bạn muốn hiệu chỉnh trong mục Printer / Name
  • Click vô Document Properties
  • Lần lượt hiệu chỉnh trong các thẻ Advanced Setup, Options và Stock:
  • Bộ cảm biến (sensor type): cài đặt phương pháp cảm biến theo bước nhảy tem (Gaps), cảm biến theo điểm đen (Black mark) hoặc không gì cả/giấy liên tục (Continuous)
  • Phương pháp in (print method) / Loại tem nhãn (Media type): Direct Thermal (in nhiệt trực tiếp, không cần mực) hoặc Thermal Transfer (in chuyển nhiệt với cuộn mực ribbon).
  • Xử lý tem nhãn (mMedia handling): Bao gồm những lựa chọn chế độ nghỉ (pausing), nghỉ để bóc tem (pausing for tear off), dao cắt giấy (cutting the stock)…
  • Tốc độ in (print speed): Theo nguyên tắc, tốc độ in càng chậm thì bản in càng rõ nét. Tốc độ in quá nhanh có thể gây ra lỗi nhảy tem do tốc độ chạy tem quá nhanh so với khả năng đọc của bộ cảm biến.

Nhiệt lượng đầu in (darkness): bạn nên thiết lập nhiệt lượng ở đầu in (darkness) ở mức phù hợp với loại tem decal và mực in đang sử dụng nếu bạn đặt nhiệt độ mức cao (high darkness) thì cuộn mực in mã vạch có thể bị nóng chảy do nhiệt lượng được thiết lập ở mức quá cao so với cuộn ruy-băng. Thông thường bạn nên tùy chỉnh nhiệt lượng đầu in theo loại mực bạn dùng. Ví dụ, mực resin cần lượng nhiệt năng lớn để làm nóng chảy chất nhựa resin, nếu bạn để mức nhiệt thấp dành cho mực wax (dễ nóng chảy) thì có thể dẫn đến tình trạng mực in bị mờ hoặc chữ in ra mờ quá không đọc được vì lượng nhiệt từ đầu in chưa đủ làm tan chảy mực resin trên cuộn ruy-băng. Do vậy, nếu bạn dùng mực wax thì điều chỉnh nhiệt năng ở mức 0-7, mực wax-resin với mức gia nhiệt tầm 7-14, và mực resin ở mức 14-20.

Lưu ý:
– BarTender gửi cấu hình của trình điều khiển máy in tại mỗi lệnh in (Document properties), do đó tốt nhất bạn nên thiết lập cấu hình in trực tiếp từ phần mềm Bartender thay vì từ trình điều khiển driver trong Devices and Printers của Windows.
– Mẫu tem và cấu hình driver được thiết lập trong phần mềm BarTender được lưu thành file dưới định dạng .btw và sẽ được đặt làm cấu hình mặc định ở lần in hiện tại, vượt qua cấu hình ở driver máy in trong Windows. Các thiết lập trong phần Devices and Printers (Printers/Faxes) là mặc định và sẽ được áp dụng đối với các mẫu tem .btw được tạo trong tương lai.
– Giao diện các lựa chọn bên trên là ở trong driver của Seagull. Drivers phát triển bởi các NCC phần mềm khác cũng có các options tương tự nhưng giao diện (cách bố trí, tên gọi…) có thể khác đi.

CHỌN SAI CỔNG GIAO TIẾP MÁY IN (Port)

Hãy kiểm tra cổng giao tiếp máy in được thiết lập trong phần thuộc tính (properties) có khớp với chuẩn dây cáp kết nối máy in với máy tính (USB, Ethernet, RS-232…). Máy tính giao tiếp với máy in qua cổng giao tiếp được bạn thiết lập trong driver máy in. Dây cáp kết nối máy tính với máy in có nhiều loại, nếu bạn chọn cáp kết nối loại nào thì cần phải vào trong driver và thiết lập cổng giao tiếp tương ứng:

  • Mở Devices and Printers trong Control Panel
  • Click chuột phải vào biểu tượng máy in > chọn Printer Properties (lưu ý là Printer Properties khác với Properties)
  • Chọn thẻ Ports (cổng giao tiếp)

Chọn cổng giao tiếp phù hợp với dây cáp máy in của bạn:
– Dây cáp Serial: chọn cổng Com 1, Com 2, Com 3, …
– Dây cáp Parallel: chọn cổng LPT 1, LPT 2, LPT 3, …
– Dây cáp USB: chọn cổng USB 1, USB 2, USB 3, …
– Dây LAN/Ethernet: chọn giao thức TCP/ IP address, cổng RAW (cổng mặc định là 8000 và 9100), LPR

Chọn xong thì nhấn nút Apply

Ghi chú: Dây cáp chuyển đổi (cáp lai), ví dụ cáp USB – RS232 thường phải cài thêm driver bổ sung để dây mới có thể chạy được đúng cách. Hãy tham khảo phần hướng dẫn sử dụng cáp kết nối hoặc vào trang chủ của nhà sản xuất để nhận trợ giúp.