ĐƯA CÔNG NGHỆ RFID VÀO QUẢN LÝ THƯ VIỆN
Việc vận hành thư viện sẽ trở nên nhanh chóng và tối ưu hiệu quả công việc khi được áp dụng công nghệ RFID, công nghệ RFID quản lý tự động hóa thư viện được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam vào những năm 2000. Tuy nhiên, ở thời điểm này chi phí phải trả cho công nghệ này quá đắt đỏ, vượt ngoài tầm của đa số các thư viện trên cả nước. Mãi cho đến năm 2015, trường ĐH Quốc Gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại Thương, ĐH Giao thông vận tải bắt đầu ứng dụng công nghệ RFID quản lý tự động hóa vào thư viện của trường. Cùng tìm hiểu xem công nghệ RFID hoạt động như thế nào trong thư viện qua các thông tin bên dưới nhé.
‘RFID là một công nghệ sử dụng sóng vô tuyến để nhận dạng đối tượng. Một hệ thống RFID bao gồm 2 thành phần chính là thẻ RFID có chứa con chip giúp phát ra sóng vô tuyến và một đầu đọc có ăng-ten để thu sóng vô tuyến phát ra từ thẻ và đọc những thông tin trên chip’
ƯU ĐIỂM CỦA CÔNG NGHỆ RFID QUẢN LÝ TỰ ĐỘNG HÓA Ở THƯ VIỆN
- Không cần tiếp xúc vật lý trực tiếp với sách. Công nghệ RFID quản lý tự động cho phép quét được mã ở những khoảng cách xa từ vài mét đến vài chục mét.
- Nhận diện dữ liệu an toàn, độ an ninh cao. Với công nghệ mã vạch, mỗi con tem chỉ cho phép nhận diện thông tin tài liệu. Nếu muốn chống trộm, người dùng phải sử dụng thêm tem từ của hệ thống an ninh EAS. Trong khi đó công nghệ RFID quản lý tự động hóa thư viện cho phép thực hiện cùng lúc cả hai yếu tố trên.
- Mượn/ trả nhiều sách cùng lúc. Ở cách quản lý thư viện bằng công nghệ mã vạch bạn sẽ phải quét mã lần lượt từng quyển sách khi muốn mượn hoặc trả. Nhưng với RFID bạn có thể cùng một lúc quét nhiều mã một lần. Công nghệ RFID quản lý tự động giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong công tác quản lý.
- Thẻ RFID có độ bền cao. Thẻ RFID có độ bền cao hơn so với các con tem mã vạch. Các nhà sản xuất thẻ RFID cam kết sau khi gắn thẻ lên sách có thể sử dụng lên đến 100.000 lượt mượn/trả trước khi hỏng.
CÁC THÀNH PHẦN CỦA CÔNG NGHỆ RFID QUẢN LÝ TỰ ĐỘNG HÓA Ở THƯ VIỆN
THẺ RFID
Trước khi trưng bày sách ra các kệ tủ cho bạn đọc thì cần phải gắn thẻ RFID. Thông thường các loại thẻ dành cho sách thường có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Bên dưới những thẻ này có gắn chip phát sóng vô tuyến.
TRẠM THỦ THƯ
Các đầu sách sau khi được gắn thẻ sẽ được lập trình thông tin trên chip ở mỗi thẻ RFID. Đây là cơ sở để các thiết bị khác trong hệ thống đọc được thông tin này. Ngoài ra, đây là nơi bạn đọc mượn/ trả sách hoặc cần giải quyết các vấn đề phát sinh. Lúc này thủ thư chỉ cần dùng máy quét RFID cùng phần mềm liên quan để thực hiện giao dịch mượn/ trả sách.
TRẠM TỰ MƯỢN/ TRẢ SÁCH
Trạm mượn/ trả sách cung cấp một trải nghiệm mới cho người dùng. Tại đây, một màn hình cảm ứng hoạt động như một máy tính chạy phần mềm cho phép bạn đọc tự mượn/ trả sách mà không cần đến sự trợ giúp của thủ thư.
CỔNG AN NINH
Cổng an ninh hoạt động dựa trên nhận dạng sóng vô tuyến. Do vậy, khi một đầu sách được dán thẻ RFID đã được kích hoạt đi qua cổng, chuông báo sẽ reo. Chức năng chống trộm của cổng an ninh bị vô hiệu hóa khi sách được mượn tại trạm thủ thư hoặc các trạm có chức năng mượn sách tự động.
NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG NGHỆ RFID QUẢN LÝ TỰ ĐỘNG HÓA Ở THƯ VIỆN
- (1) Như hình bên trên, ta thấy các đầu sách sau khi được đưa vào thư viện sẽ được gắn thẻ RFID, sau đó đưa đi lập trình. Các thông tin liên quan sẽ được nạp vào khi này sách đã sẵn sàng cho mượn (2).
Bạn có thể lựa chọn mượn/ trả sách bằng 2 cách: - Mượn thông qua trạm thủ thư (3). Tại đây, thủ thư sẽ kiểm tra mã sách thông qua đầu đọc RFID và xác nhận cho mượn sách. Khi này con chip trong thẻ RFID sẽ được hủy bỏ kích hoạt. Khi này bạn mang sách qua cổng an ninh (4) sẽ không bị chuông báo reo lên.
- Mượn ở trạm tự mượn/ trả sách (5). Tại đây, người mượn thực hiện tự mượn/ trả sách thông qua các hướng dẫn trên màn hình cảm ứng. Các tác vụ thực hiện tương tự như mượn/ trả tại trạm thủ thư. Sách sau khi “check out” sẽ không có vấn đề gì khi đi qua cổng an ninh.
- Cuối cùng sau khi sách được trả thủ thư hoặc trạm tự động mượn/ trả sẽ kích hoạt lại thẻ RFID để cho chu trình mượn/ trả tiếp theo.
—————————————–
Tính đến thời điểm hiện nay, công nghệ RFID quản lý tự động hóa ở thư viện vẫn là phương pháp tối ưu nhất. Hy vọng rằng các thư viện ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và được quan tâm đầu tư đúng mức nhằm đem lại nhiều trải nghiệm tốt nhất cho bạn đọc.