Bước Tiến Của Công Nghệ RFID: Từ Tình Báo Đến Bán Lẻ
Sau nhiều năm, trải qua nhiều công cuộc cách mạng hóa nền công nghiệp hiện đại đã và đang làm thay đổi nhiều công nghệ, trong đó có công nghệ RFID hay Nhãn RFID. Để thấy rõ hơn thực trạng của sự thay đổi ấy chúng ta cùng đi qua một vài giai đoạn hình thành và phát triển của RFID nhé.
Những chiến đấu cơ trong Thế chiến II cùng Disneyland, các chú chim cánh cụt và Walmart có điểm gì chung?
Đó là RFID – Công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến.
Công nghệ RFID được phát minh vào những năm 1940 để phát hiện máy bay ta và địch trong Thế chiến II, nhưng mãi đến đến thập niên 70 mới được dùng phổ biến trong các ngành nghề khác.
Ngày nay, dấu ấn của công nghệ RFID xuất hiện ở khắp nơi. Công nghệ này theo dõi hơn hai triệu bản thảo và sách cổ trong thư viện của Vatican, theo dõi và lưu giữ tư liệu về những động vật có nguy cơ tuyệt chủng, dùng để vào phòng khách sạn không cần khoá cũng như tham dự các lễ hội âm nhạc, và ngay cả phòng tránh việc ăn cắp vặt trong các cửa hàng bán lẻ lớn.
Năm 2003, Walmart trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành bán lẻ ứng dụng công nghệ này khi thêm thẻ nhãn RFID vào sản phẩm của họ để theo dõi hàng hoá và làm nản lòng những tên trộm vặt.
Tiến sĩ Rajkishore Nayak, giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam, mô tả RFID là “công nghệ tương lai của ngành bán lẻ”.
Ông chia sẻ: “Nhắc đến xu hướng hiện nay trong ngành bán lẻ thời trang hoặc kinh doanh, bạn sẽ thấy nhiều công ty đang chuyển sang công nghệ mới, dùng RFID thay thế mã vạch”.
Theo Tiến sĩ Nayak, lý do chính công nghệ này trở nên phổ biến là nhờ tính hiệu quả và an ninh.
“Công nghệ này có nhiều lợi thế với ngành bán lẻ. Thẻ nhãn RFID không dễ bị điều khiển hay gỡ bỏ, nên khó trộm vặt trong cửa hàng. RFID còn theo dõi khối lượng và vị trí của sản phẩm chính xác – ngay cả khi hàng hoá đang di chuyển – nên các cửa hàng biết chính xác sản phẩm nào đang trên kệ và sản phẩm đó đang ở đâu vào thời điểm theo dõi”, Tiến sĩ nói. “Điều này giúp quy trình phân loại hàng tồn nhanh hơn rất nhiều”.
Nhờ tính hiệu quả của thẻ nhãn RFID, Tiến sĩ Nayak dự đoán đến năm 2025, 50% thương hiệu bán lẻ sẽ dùng công nghệ này. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong ngành chế tác và trồng trọt để theo dõi các dây chuyền sản xuất và nông sản tồn.
“Các nông trại trồng dâu nuôi tằm đã dùng thẻ RFID trên từng kén tằm, theo dõi độ tăng trưởng và lượng tơ mà chúng nhả ra được. Thẻ còn dùng để theo dõi sợi len. Từ thẻ RFID, nông dân có thể biết một con cừu đang khoẻ mạnh hay giảm cân. Ngay cả với 50 ngàn con cừu trong nông trại, họ vẫn có thể theo dõi từng cá thể một cách dễ dàng với công nghệ này”, Tiến sĩ Nayak nhấn mạnh. “Công nghệ này còn rất tốt cho muôn thú”.
Tiến sĩ Nayak nhận thấy chi phí là thách thức lớn nhất với các cửa hàng bán lẻ, vì sẽ tăng lên rất nhiều từ khoảng 23 đồng cho thẻ mã vạch lên khoảng hơn 1.000 đồng cho thẻ nhãn RFID.
Ông cho biết: “Doanh nghiệp chắn chắn còn đang lưỡng lự trong việc ứng dụng công nghê RFID do vấn đề chi phí vì thẻ nhãn này đắt đỏ hơn, mà còn cần bộ công nghệ đi kèm như hệ thống máy tính, máy scan và máy đọc phức tạp. Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ trích rằng hệ thống này dễ bị xâm nhập. Tuy nhiên, nguy cơ chính đến từ sản phẩm nhái tương tự đang lừa bịp khách hàng khiến họ nghĩ rằng mình đang mua sản phẩm chính hiệu. Doanh nghiệp trong ngành cũng đang giải quyết vấn đề này.
Tiến sĩ Nayak là giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Khoa Thời trang và Dệt may, Đại học RMIT (Úc). Ông giảng dạy và nghiên cứu về thời trang và dệt may trong 15 năm qua. Trong thời gian này, ông đã công bố hơn 90 bài báo nghiên cứu được đồng nghiệp thẩm định trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời cho ra mắt sáu cuốn sách.
Sách mới nhất của Tiến sĩ Nayak – Radio Frequency Identification (RFID): Technology and Application in Fashion and Textile Supply Chain (tạm dịch: Công nghệ RFID và ứng dụng vào ngành thời trang và quản lý chuỗi cung ứng ngành dệt may) – hiện có bản bìa giấy, bìa cứng và bản số hoá. Cảm hứng biên soạn cuốn sách đến với Tiến sĩ khi ông phát hiện ra rằng, liên quan đến công nghệ tiên tiến trong ngành bán lẻ, các đơn vị chế tác hàng dệt may và sinh viên không có nhiều thông tin để tìm hiểu và nghiên cứu.